(CalciK2)-Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Journal of Clinical Endocrinology and Metabolism (01/2013), phụ nữ béo phì tại giai đoạn đầu thai kỳ có thể chuyển vitamin D cho con kém hiệu quả hơn so với phụ nữ có cân nặng bình thường.
Vitamin D được cơ thể tạo ra một cách tự nhiên nhờ ánh sáng mặt trời. Vitamin D có vai trò quan trọng trong việc tạo, duy trì xương và duy trì hệ thống miễn dịch khỏe mạnh. Người lớn thiếu vitamin D có nguy cơ cao bị béo phì, sưng tấy và bệnh tự miễn dịch. Tuy nhiên, ảnh hưởng của việc thiếu vitamin D ở trẻ nhỏ vẫn chưa được giải thích rõ. Vitamin D tan trong chất béo nên có khuynh hướng tích lũy trong mỡ. Kết quả là người béo phì có thể tiêu thụ hoặc tạo ra cùng một lượng vitamin D như người cân nặng bình thường, nhưng lại có ít vitamin D trong máu hơn.
Các nhà nghiên cứu phân tích lượng vitamin D của 61 bà mẹ tại một bệnh viện ở Hoa Kỳ. Tất cả họ đều có chỉ số cơ thể thuộc nhóm bình thường hoặc béo phì. Mẫu máu được lấy tại tuần 36-38 của thai kỳ để đo lượng vitamin D của người mẹ. Mẫu máu của nhau thai được dùng để đo lượng vitamin D của trẻ sơ sinh. Những thông số của trẻ sơ sinh cũng được ghi nhận như lượng mỡ, trọng lượng và thể tích cơ thể.
Mặc dù cân nặng khác nhau, các bà mẹ trên có kết quả lượng vitamin D trong máu gần như giống nhau. Lý do là hầu hết những phụ nữ này có uống viên bổ sung vitamin D dành cho bà bầu. Tuy nhiên, con của những bà mẹ cân nặng bình thường có lượng vitamin D cao gấp 3 lần so với con của những bà mẹ béo phì. Chỉ số lượng mỡ cơ thể của trẻ sơ sinh trong nghiên cứu này tương tự như số liệu của những nghiên cứu khác. Vitamin D có thể bị giữ riêng trong lượng mỡ thừa của bà mẹ béo phì và không được chuyển hiệu quả sang đứa con.
Nghiên cứu cũng tìm ra một kết quả đáng ngạc nhiên là những trẻ được sinh ra có lượng vitamin D nhiều cũng có nhiều mỡ cơ thể. Trái ngược với kết quả trên người lớn, người có nhiều vitamin D hơn khi có ít mỡ cơ thể hơn.
Hồng Vân
(Theo Naturalnews)