(CalciK2)-Nếu bạn bị mất xương ở cột sống và được chẩn đoán là bị loãng xương, bạn sẽ gặp phải nguy cơ gãy xương cao hơn. Căn bệnh này cần được quan tâm bởi xương bị gãy có thể khiến bạn cần có y tá chăm sóc tại nhà hoặc mất khả năng đi lại. Sự kết hợp giữa thay đổi lối sống và kết hợp với các điều trị y tế thích hợp có thể giúp bạn kiểm soát tốt căn bệnh này.
Tình trạng mất xương có thể không tiến triển và thỉnh thoảng có thể đảo ngược khi có thuốc điều trị thích hợp ví dụ bisphosphonates. Theo Hiệp Hội Loãng xương Hoa Kỳ, loại thuốc này giúp làm chậm quá trình mất xương tự nhiên mà cơ thể trải qua để tạo xương mới. Khi uống thuốc này, cơ thể sẽ không trải qua quá trình mất xương, nhưng vẫn duy trì việc tạo xương mới ở nhịp độ bình thường. Do đó mật độ xương có thể tăng lên.
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng phương pháp thay thế hormone. Estrogen là loại hormone giúp xương luôn chắc khoẻ nhưng tỷ lệ estrogen sẽ giảm dần theo tuổi tác. Bổ sung thêm hormone estrogen hoặc kết hợp với progesterone có thể làm chậm và thậm chí đảo ngược quá trình mất xương.
Bổ sung hormone calcitonin cũng có thể đem lại hiệu quả. Đây là loại hormone được sản sinh bởi tuyến giáp có thể giúp làm chậm quá trình mất xương và giảm nguy cơ gãy xương sống. Một loại hormone khác là Teriparatide được hình thành từ hormone tuyến cận giáp cũng có tác dụng cải thiện mật độ xương.
Lưu ý: tất cả các loại thuốc, hormone nêu trên chỉ được sử dụng khi có ý kiến của bác sĩ
Bên cạnh đó để giảm thiểu tình trạng này, bạn cần bỏ thuốc và có chế độ dinh dưỡng phù hợp. Theo Mayo Clinic, hút thuốc lá sẽ khiến quá trình mất xương tăng nhanh. Mặt khác, xương cần canxi để duy trì độ chắc khoẻ và cơ thể cần vitamin D để hấp thụ canxi vì vậy chế độ dinh dưỡng cũng cần bổ sung 2 chất này. Nếu bạn từ 51 tuổi trở lên, hàm lượng canxi cần thiết hàng ngày là 1200 mg và vitamin D từ 800-1000 IU (khoảng 20-25 mcg). Nếu bạn ở độ tuổi từ 19-54, hàm lượng khuyên dùng của canxi là 1000 mg và từ 400-800 IU (khoảng 20-25 mcg) vitamin D.
Và cũng đừng quên luyện tập thể thao. Các hoạt động thể thao tốt cho xương như đi bộ, nhảy và đi bộ đường dài. Các hoạt động này sẽ kích thích xương phát triển. Khi luyện tập các môn thể thao này, xương của bạn sẽ thích nghi với tác động của trọng lượng và kéo cơ bằng việc tạo thêm nhiều tế bào và trở nên chắc khỏe hơn. Các hoạt động khác như đạp xe và bơi lội không đem lại hiệu quả như vậy bởi trọng lượng cơ thể bạn được hỗ trợ bởi xe đạp hoặc bởi nước.
Thanh Hương
(Theo Livestrong)